máu rồng sẽ được sử dụng để điều chế kháng sinh mới
Các chất kháng khuẩn có trong máu loài rồng Komodo có thể sẽ trở thành một phương thuốc kháng sinh hiệu quả trong tương lai.
Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện trong máu của rồng Komodo chứa protein gọi là peptide kháng khuẩn (Antimicrobial peptides - AMPs) - thành phần chủ yếu trong hệ miễn dịch của động vật. Kháng khuẩn này giúp chúng miễn nhiễm với vết cắn của đồng loại và rất ít khi bị bệnh.
Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất thế giới sinh sống trên một số hòn đảo của Indonesia như Komodo, Rinca hay Flores. Chúng có thể ăn động vật không xương sống đến chim, động vật có vú, hươu, nai, trâu rừng, thậm chí là xác thối.
Nước bọt của rồng Komodo có chứa chất độc cùng hơn 50 chủng vi khuẩn khác nhau, nhưng trong máu loài vật này lại chứa chất kháng khuẩn cực mạnh. (Ảnh: The Sun).
Rồng Komodo có kích thước cơ thể rất lớn. Một con trưởng thành có thể nặng tới 90kg và dài 2,5m. Chúng có khả năng nghiền nát xương của một con hươu chỉ bằng một cú táp, tuy nhiên vũ khí lợi hại nhất lại là những vết cắn. Nguyên nhân là trong nước bọt của rồng Komodo có chứa chất độc cùng hơn 50 chủng vi khuẩn khác nhau. Vết cắn của loài thằn lằn khổng lồ này rất độc, tới mức mà chỉ một vết cắn cũng có thể giết chết con mồi to lớn hơn chúng nhiều lần.
Theo các nhà khoa học, các AMP trong máu rồng có thể sẽ là một trong những giải pháp lựa chọn để thay thế kháng sinh nhờ vào hiệu lực mạnh trong việc tiêu diệt nhiều chủng vi khuẩn. Đây là một bước tiến mạnh mẽ trong y học, khi một số loại thuốc kháng sinh hiện nay đang mất đi tính hiệu quả vì các loại vi khuẩn đã phát triển khả năng kháng thuốc.
Barney Bishop, chuyên gia về hóa học thuộc Đại học George Mason (Virginia, Mỹ), người phát hiện ra các đặc tính của các AMP trong máu của loài rồng Komodo vào năm 2013, cho biết: “Nếu chúng ta có thể tìm ra cách thức giúp những con rồng Komodo có thể chống lại vi khuẩn thì có thể sử dụng những kiến thức đó để phát triển thành các dòng thuốc kháng sinh mới”.
Dự án rồng Komodo của Bishop và các cộng sự bắt đầu vào năm 2012, với khoản tài trợ trị giá 7,6 triệu USD. Bishop đã lấy mẫu máu từ đuôi của một con rồng Komodo trưởng thành nuôi nhốt ở Florida do không có điều kiện đến quê hương của chúng ở Indonesia.
Sau khi tiến hành phân tích và tổng hợp, Bishop và nhóm của ông đã xác định được hơn 200 peptide trong máu rồng Komodo chưa từng phát hiện trước đây.
Một trong những peptide có trong máu rồng Komodo đang được ứng dụng để tạo ra chất tổng hợp DRGN-1, có khả năng phá vỡ “lớp màng” do vi khuẩn tạo ra trên bề mặt của vết thương, ngăn cản khả năng tự chữa trị của cơ thể. Khi áp dụng thử nghiệm DRGN-1 trên vết thương bị nhiễm vi khuẩn, các nhà nghiên cứu nhận thấy vết thương lành nhanh hơn so với khi không sử dụng.
Máu rồng Komodo có kháng khuẩn giúp chúng miễn nhiễm với vết cắn của đồng loại và rất ít khi bị bệnh.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra các loại thuốc tiềm năng khác dựa trên kết quả phân tích máu rồng Komodo, cũng như trong máu của cá sấu nước mặn. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định được 48 loại AMP tiềm năng có trong máu rồng Komodo mà từng được phát hiện trước đây.
Những khám phá này có thể là tiền đề cho việc phát triển các loại dược phẩm, giúp điều trị một số loại bệnh phổ biến như viêm phổi, mụn trứng cá hay chống lại các loại vũ khí sinh học như bệnh than.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, số ca nhiễm khuẩn kháng thuốc kháng sinh giết chết khoảng 700.000 người trên thế giới mỗi năm và dự đoán có thể tăng lên 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050. WHO cho biết tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn đang tăng lên gây khó khăn trong việc điều trị một số bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, lao, nhiễm trùng máu hay bệnh lậu.
Leave a Comment